Bàn đến cách tiếp cận trong giáo dục, người ta thường quan tâm đến mối quan hệ vị trí/quyền lực giữa “thầy” (cha mẹ,thầy cô,…) và “trò” (con cái, học sinh,…). Nhìn trên mối quan hệ này, có thể nói có hai lối tiếp cận rõ rệt tạo thành hai cực trường phái trong giáo dục: “can thiệp” (intervention) và “không can thiệp” (nonintervention). Mức độ mạnh nhất trong hướng “can thiệp” được gọi là độc đoán. Mức độ mềm nhất của "không can thiệp” là "dân chủ nghiêm minh" - có thể gọi là hướng tiếp cận tương tác (xem đây là vùng nằm giữa can thiệp và không can thiệp). Mức độ mạnh của “không can thiệp” là “tự do phóng khoáng”.1
EPHATA chọn lối tiếp cận tương tác cho mô hình giáo dục của EPHATA. Trong mô hình này tiếp cận nhân văn (Rogers, Maslow...), và tương ưng với đó là lý thuyết chọn lựa (choice theory của Glasser), lý thuyết đa thông minh (multiple intelligence của Gardner), mô hình giáo dục Montessori được quan tâm một cách đặc biệt 2. Hướng tiếp cận này nhấn mạnh đến con người tương quan, tính tự chủ, tự do & trách nhiệm. Trong học tập cần tạo động lực nội tại thay vì động lực ngoại tại (phạt, thưởng).
Trong giáo dục giá trị sống, ngoài những giá trị có tính nền tảng phổ quát, EPHATA quan tâm cả đến ảnh hưởng của nhận thức và cảm xúc. Từ đó mô hình ACT (Acceptance Commitment Training) với chú tâm/thiền (mindfulness, được đánh giá rất tích cực trong tâm lý và giáo dục) được sử dụng như một trong những phương pháp để giúp làm chủ cảm xúc.
Phù hợp với triết lý và mô hình đã chọn, EPHATA sử dụng phương pháp dạy-học tích cực (học trải nghiệm và học tăng tốc qua các trò chơi, sắm vai, mô phỏng tình huống…) và cách tổ chức lớp theo mô hình tâm lý chọn lựa. Nhờ đó những giờ học sẽ thú vị và vui. Các em sẽ phát huy tối đa niềm say mê và động lực nội tại trong học tập, khả năng tư duy/sáng tạo và ứng dụng các bài học bổ ích.
Nhằm giúp học sinh làm giàu tri thức, kích thích tư duy và sáng tạo, tạo cảm hứng và say mê học hỏi, STEAM (Science, Technology, Engineering, Arts, Math) được tích hợp một cách có hệ thống và khéo léo trong cac bài học.
-------------------------
1 Quan điểm, triết lý trong giáo dục đào tạo con người dẫn đến việc chọn mô hình giáo dục. Tất nhiên việc chọn lựa mô hình cần phải dựa trên những nghiên cứu/tìm hiểu/phản biện các cách tiếp cận khác nhau cũng như những đánh giá về chúng. Việc áp dụng mô hình giáo dục cũng rất cần sự linh động và “chắt lọc” cho phù hợp hoàn cảnh.
2 Có thể nêu một số đặc trưng của mô hình này:
- Chia sẻ trách nhiệm (giữa thầy và trò) và tương quan chân thành.
- Thầy là “leader” chứ không phải là “boss”
- Tạo động lực nội tại (đến từ bên trong) và niềm vui/hứng khởi trong học tập.
- Kỹ luật tích cực (trên tinh thần dân chủ nghiêm minh) ...