Lòng biết ơn và hạnh phúc

Tựa đề này có thể làm cho Bạn nghĩ rằng lòng biết ơn góp phần đem lại hạnh phúc?
Vâng, đúng như thế đó. Lòng biết ơn làm Bạn hạnh phúc hơn, và khỏe mạnh hơn nữa đấy, như một số nhà nghiên cứu ở Anh và Mỹ đã chỉ ra (*).
Biết ơn là một phẩm chất được truyền thống Việt Nam trân trọng, được nhắc đến nhiều trong ca dao Việt Nam. Truyền thống của nhiều nước, nền văn hóa, tôn giáo cũng tôn vinh giá trị lòng biết ơn. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý về tác động của lòng biết ơn thì chỉ được quan tâm mới đây. Robert A. Emmons, giáo sư tâm lý của ĐH  California, Davis, còn nhấn mạnh đại khái, rằng nếu treo giải thưởng cho cảm xúc/phẩm chất nào bị các nhà tâm lý lãng quên nhất thì lòng biết ơn chắc chắn là một ứng viên sáng giá (**). Hiện nay nhiều nhà tâm lý giáo dục ở Mỹ đã nhận ra ảnh hưởng tích cực của biết ơn và xem lòng biết ơn là một trong những phẩm chất cốt lõi cần được quan tâm và chỉ dạy cho trẻ để giúp trẻ hạnh phúc.

Để giúp con Bạn có cuộc sống hạnh phúc, hãy dạy con giá trị sống là lòng biết ơn. Và để dạy con giá trị này, chính Bạn cần trở nên "người mẫu" cho con ngắm nhìn và noi theo. Hãy cùng con sống lòng biết ơn. Tất nhiên, khi dạy con như thế, chính Bạn cũng trở nên hạnh  phúc hơn.

Có phải là nói nhiều lời "cám ơn" thì con Bạn có lòng biết ơn?
Lòng biết ơn không đồng nghĩa với nói lời cám ơn. Nói "cám ơn" có thể là một biểu hiện của lòng biết ơn. Nói rằng "có thể" vì lắm khi ta nói "cám ơn" chỉ vì lẽ phép mà thôi, chứ thực tâm ta  chẳng hề cảm nhận biết ơn chi cả. "Cám ơn" cần nhưng không đủ!
Nếu số lần nói "cám ơn" của con Bạn không đo được lòng biết ơn của bé thì lòng biết ơn được thể hiện ra sao? 
Người thường xuyên biểu lộ lòng biết ơn là người cảm được những nét đẹp họ đón nhận trong cuộc sống; nhìn ra được những sự vật cũng như những con người dễ thương chung quanh. Và họ mang tâm tình biết ơn về những điều ấy. Tâm tình biết ơn giúp họ "thưởng thức" được những nét thi vị, làm cho họ có mối tương giao dễ thương hơn với người khác.
Tóm lại, thế nào là lòng biết ơn, tâm lý học đưa ra một số đặc trưng của lòng biết ơn: Bạn nhận ra và cám ơn về những điều tích cực mà cuộc sống và người khác dành/làm cho Bạn; tâm tình biết ơn thôi thúc Bạn biết đáp trả lại cho đời, cho người khác; [có nhà nghiên cứu còn thêm] biết dành thời gian để "nếm cảm" thế giới và con người chung quanh;
Hoặc có thể nói gọn hơn một chút về lòng biết ơn: Nhận ra những gì người khác làm cho Bạn, cuộc đời dành cho Bạn và Bạn mong muốn đáp trả lại. (Đáp trả bằng cách nói cám ơn và làm những việc dễ thương/tốt cho con người).

Để dạy trẻ lòng biết ơn, người lớn chúng ta cần rèn tập để sống lòng biết ơn. (Lòng biết ơn giúp ta chậm lại để sống thực, chứ không phải cứ tất bật chuẩn bị cho cuộc sống.)

Có lẽ câu hỏi mà Bạn quan tâm là làm cách nào để dạy trẻ lòng biết ơn. Xin hỏi ngược lại Bạn: Theo Bạn, để dạy bé lòng biết ơn thì nên có những hoạt động cụ thể nào trong gia đình Bạn? Bạn sẽ làm gì trong thời khắc cuối/đầu năm này để giúp bé sống lòng biết ơn? Mỗi tối trước khi đi ngủ Bạn có thể làm gì với bé để giúp/cùng bé nhận ra những "quà tặng" nho nhỏ khác nhau trong ngày? Trên đường chở bé đến trường, nhìn thấy người phu quét lá, Bạn có thể làm gì để giúp/cùng bé nhìn ra "món quà" Bạn và bé đã đang nhận được từ người anh em từng ngày lặng lẽ giữ sạch đường đi? Bạn cũng có thể và rất nên hỏi bé làm cách nào để thể hiện lòng biết ơn trong những tình huống cụ thể. Bạn có thể gợi ý, hoặc cùng bé làm một nhật ký "Biết ơn" để  mỗi ngày bé viết/vẽ vào đó một tâm tình cám ơn ngắn...
Vâng, hẳn là có 1001 cách khác nhau, tình huống khác nhau để Bạn có thể giúp con, cùng con vun trồng lòng biết ơn.
Nhưng điều quan trọng và có phần tiên quyết chính là Bạn, và tôi nữa, cần tập mở lòng để nhìn ra những hoa trái Bạn và tôi đã đang đón nhận từ cuộc đời, từ nhiều người... Khi tập mở mắt của tâm lòng để cảm nhận được những "quà tặng" đa dạng như thế, chắc chắn ta cũng sẽ khám phá ra những sáng kiến/cách thức rất phong phú, dễ thương, đôi khi thật đơn sơ nhưng sâu đậm, để cùng các bé kiến tạo giá trị biết ơn.

Nhà trường là nơi rất tốt, thích hợp và thuận lợi để giúp bé gieo trồng và phát triển giá trị biết ơn. Tất nhiên cần dạy thực lòng, chất lượng, có phương pháp và xin đừng chính trị hóa!

Xin hẹn bàn thêm sau nhé.

Chúc bình an.

EPHATA

-------

(*) Wood, A. M., et al. (2010). Gratitude and well-being: A review and theoretical integration. Clinical Psychology Review

(**) Emmons, R. A. and McCullough, M. E. (Eds.) (2004). The Psychology of Gratitude. Oxford University Press.

Tags: 

Chương trình Giáo dục EPHATA

CT TNHH Giáo dục & Phát triển E-STEM

Lầu 18, Indochina Park Tower,
04 Nguyễn Đình Chiểu
P. Đakao, Q. 1
TP. HCM

Cơ sở 2: 21/2 Đường 14A,
P. Tân Thuận Tây, Q.7, TpHCM.

ĐT:(028) 2228 8258
Email: ephataeducation@gmail.com

Liên Kết

Trung Tâm Văn Khoa 
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp.HCM