Chương trình Giáo dục EPHATA đưa trên một số quan điểm có tính nền tảng như sau
1. Làm người, là người: phẩm giá cao quý tuyệt vời nhất.
Giáo dục là giúp con người sống một cách trọn vẹn và sung mãn phẩm giá này. Trọng tâm là biết tôn trọng con người: tôn trọng chính mình và tôn trọng anh em.
2. Con người tự do. Con người liên đới.
Con người tự do. Giáo dục con người nhận ra và biết sử dụng sự tự do của mình theo cách “tự lập - tự chủ”. Tự lập tự chủ ở đây đã được đặt trong “tiên đề”: con người sống tương quan. Không ai là 1 hòn đảo. Sống là sống trong tương quan với người khác/cộng đồng, với thế giới con người sống trong đó và với Thiên Chúa (nếu xét đến chiều kích niềm tin). Do vậy, đối với con người, tự do đích thực là tự do một cách có trách nhiệm với người khác/cộng động/môi trường…
Con người tự do để chọn lựa/quyết định hành vi của chính mình. Giáo dục cũng cần giúp con người ý thức và biết rằng, nói cho cùng, chính họ và chỉ chính họ chọn lựa/quyết định hành vi, lối sống… của họ và vì vậy họ phải chịu trách nhiệm về hành vi lối sống của chính mình và đồng thời biết học sống (chọn lựa hành xử…) có trách nhiệm với người khác.
Nền tảng cho sự liên đới/tương quan bền bỉ và thăng hoa là tình thương và sự thật.
3. Mỗi cá nhân là một khác biệt/duy nhất.
Cùng mang một phẩm giá cao quý nhất nhưng mỗi người lại là một cá nhân duy nhất có những đặc trưng rất riêng. Giáo dục giúp phát triển những nét riêng của cá nhân đồng thời tôn trọng sự khác biệt nơi người khác.
4. Một “con người trọn vẹn” ngay từ khi còn bé.
Một em bé hơn hẳn một “trang giấy trắng”. Em là một con người trọn vẹn (với ý nghĩa là có đầy đủ phẩm chất, đặc tính làm nên chính em), với những nét riêng duy nhất và cần phải được tôn trọng. Giáo dục không phải là đưa em vào thế bị động để người khác chủ động “vẽ lên trang giấy”. Giáo dục là khơi gợi, đồng hành, tôn trọng và tạo thêm điều kiện thuận lợi để em – một con người cao quý, có tự do - phát triển tròn đầy và có thể đứng trên đôi chân của chính mình, biết sống có trách nhiệm với chính mình, với anh em/cộng đồng em sống chung và với môi trường chung quanh.
5. Con người phát triển theo thời gian.
Học sinh của năm 2011 không giống HS của những năm 1980. Giáo dục nhằm giúp người học hội nhập với và vững vàng bước đi trong xã hội/thế giới của hôm nay và ngày mai, trong một thế giới không ngừng thay đổi. Và để được như thế thì cần phải giáo dục tri thức, giáo dục kỹ năng và giáo dục nhân cách; và giáo dục theo cách để con người có khả năng sáng tạo, tự vận dụng tri thức/phương pháp để phát triển bản thân và xã hội.